Hotline : 0949618811

Advertisements

Giới thiệu về di tích Truông Bồn

BÀI THUYẾT MINH 1 VỀ TRUÔNG BỒN

Truông Bồn là một đoạn đèo dốc dài khoảng 5km, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là đường 30 đi qua địa phận xã Mỹ Sơn. Nhờ địa hình hiểm trở với nhiều dãy núi nằm dọc hai bên đường như núi Voi, Mồng Gà, Cột Cờ… nên con đường qua Truông Bồn, luôn đảm bảo sự kín đáo, an toàn và là nơi lý tưởng để trú chân, ẩn náu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là “tuyến đường độc đạo”, nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Phát hiện được vị trí “yết hầu” của Truông Bồn, đế quốc Mỹ liên tục ném bom bắn phá, hủy diệt tuyến đường này. Từ năm 1964 đến 1968, chúng đã trút xuống mảnh đất này 18.936 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa; tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường, sát hại nhiều người dân địa phương; phá hủy hàng trăm xe ô tô và hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta. Với tinh thần “Đường chưa thông không tiếc máu xương”, các cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã ngày đêm bám trụ, rà phá hàng ngàn quả bom nổ chậm các loại; đào đắp hàng triệu mét vuông đất đá; đưa hàng ngàn lượt xe cơ giới vượt qua an toàn; vận chuyển và giải tỏa hàng triệu tấn hàng; cung cấp hàng triệu cây phi lao, cọc tre, các loại gỗ chống lầy, làm cầu cho xe qua; huy động hàng ngàn xe chở hàng vượt qua Truông Bồn.

Để có được những chiến tích ấy, phải kể đến sự đoàn kết của tất cả các lực lượng tham gia và phục vụ chiến đấu tại Truông Bồn. Tại đây, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ đã bị thương và không ít người đã anh dũng ngã xuống. 

Ngày 12/01/1996, di tích Truông Bồn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Để tri ân và tưởng nhớ sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, ngày 19/4/2010, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn. 

Được khởi công xây dựng vào ngày 27/10/2010 và hoàn thành vào tháng 7/2015, khu di tích lịch sử Truông Bồn có diện tích 217.327m2, bao gồm nhiều hạng mục, trong đó nổi bật là khu mộ, nhà che mộ 13 anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong đã hi sinh trong trận bom sáng 31/10/1968 tại Truông Bồn. Khu mộ nằm nép mình bên đồi thông già, nơi đây trước là hầm trú ẩn của thanh niên xung phong. Phía trước khu mộ chính là địa điểm mà giặc Mỹ đánh phá ác liệt và cũng là nơi 13 thanh niên xung phong đã ngã xuống, vĩnh  viễn trở về với đất mẹ trước ngưỡng cửa của ước mơ.

Trong khu di tích còn có nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh ở Truông Bồn; nhà trưng bày truyền thống tái hiện những hình ảnh chân thực, sống động về cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của quân và dân tại Truông Bồn; hồ điều hòa cảnh quan – môi trường; sân lễ hội với nhiều công trình và hiện vật ghi nhớ công ơn của những chiến sĩ trẻ đã hy sinh tại Truông Bồn. Bên cạnh đó, khu di tích còn phục hồi 03 hố bom gần khu mộ, tháp chuông; bức phù điêu lớn với nhiều họa tiết được chạm khắc tinh xảo, tái hiện hình ảnh cuộc sống, quá trình lao động, chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong trên tuyến đường; đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ với ba cây hương được làm từ đá xanh nguyên khối cao 27m, đường kính hơn 1m. Xung quanh đài tưởng niệm là hai nhóm tượng, 6 trụ huyền thoại biểu tượng cho tinh thần chiến đấu, hi sinh anh dũng của lực lượng thanh niên xung phong. 

Khu di tích lịch sử Truông Bồn là một trong những “địa chỉ đỏ” thu hút đông đảo nhân dân và du khách mỗi khi có dịp về với xứ Nghệ.

 Trên tuyến đường chiến lược này – Cung đường độc đạo Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, bởi là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Nơi đây, chứng tích hào hùng, bất hủ ghi dấu những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ 20. Tiêu biểu là những chiến công và sự hy sinh oanh liệt ngày 31 tháng 10 năm 1968 của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong “Tiểu đội cảm tử” – “Tiểu đội thép” – “Tiểu đội cọc tiêu sống” Anh hùng thuộc Đại đội Thanh niên xung phong 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu, nước tỉnh Nghệ An.

       Bởi vị trí địa lý quan trọng nối với địa bàn miền Tây Nghệ An, có địa hình hiểm trở, với nhiều dãy núi liên kết với nhau nằm dọc hai bên đường như Núi Voi, núi Mồng Gà, núi Cột Cờ…nên con đường qua Truông luôn giữ được vẻ kín đáo, an toàn, là nơi có địa thế chiến lược để trú chân, ẩn náu. Vì thế, từ khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn thế kỷ XV, Hoàng đế Quang Trung tiến quân ra Bắc năm 1788 đến Phan Đình Phùng, Trần Tấn, Đặng Như Mai…phất cờ khởi nghĩa Cần Vương cuối thế kỷ XIX đã từng đi qua hoặc chọn vùng đất này làm căn cứ xây dựng lực lượng. Trong phong trào cách mạng 1930-1931, Truông Bồn cũng là chỗ dựa vững chắc cho các hoạt động cách mạng. Tiếp nối truyền thống cha ông, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn càng phát huy mạnh mẽ vai trò lịch sử và trở thành một địa danh Huyền thoại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta thời hiện đại.

       Và với điều kiện địa lý, Nghệ An là “Hậu phương trực tiếp của tiền tuyến, là cửa ngõ vào Quân Khu IV, là địa bàn triển khai lực lượng khi bước vào chiến đấu”. Nằm trên vùng tuyến lửa Khu IV, tuyến đường chiến lược 15A, có chiều dài gần 200km, tiếp nối từ quốc lộ 1A – giáp với tỉnh Thanh Hóa, đi qua địa bàn các huyện: Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương về đến huyện Nam Đàn: Một ngả rẽ về bến phà Linh Cảm, tỉnh Hà Tĩnh; một ngả đi về thành phố Vinh, qua phà Bến Thủy vào Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là huyết mạch giao thông quan trọng để vận chuyển nhân tài, vật lực chi viện cho chiến trường miền Nam khi máy bay Mỹ ném bom đánh phá, phong tỏa tuyến đường sắt, đường sông, đường biển và quốc lộ 1A đi qua địa bàn Nghệ An. Trên tuyến đường chiến lược này, Truông Bồn là điểm nút giao thông đặc biệt quan trọng.

       Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo xây dựng tuyến đường chiến lược 15A và tranh thủ mọi lực lượng, thời gian, vận dụng mọi khả năng vận tải đi qua Truông Bồn để chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam.

       Hòng hủy diệt Truông Bồn, cắt đứt mạch máu giao thông của ta, đế quốc Mỹ đã điên cuồng đánh phá. Từ năm 1964 – 1968 chúng đã trút xuống mảnh đất anh hùng này 18.936 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa, tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường, sát hại nhiều người dân xã Mỹ Sơn, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương; phá hủy hàng trăm xe ô tô và hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta; hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ bị thương; 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh.

       Ngược thời gian trở về những năm tháng chiến tranh khốc liệt ngày ấy: Đầu năm 1964, sau khi bị thất bại  trên các chiến trường miền Nam, nhất là thất bại sau “Chiến lược chiến tranh đặc biệt”. Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ đã mở rộng “Chiến lược chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và leo thang đánh phá miền Bắc. Mục tiêu chiến lược của chúng là nhằm cắt đứt sự chi viện của ta từ hậu phương miền Bắc đối với chiến trường miền Nam, phá hoại công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá.

       Đầu năm 1967, nhất là năm 1968 sau khi bị thất bại nặng nề liên tiếp trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ cay cú, điên cuồng ném bom đánh phá miền Bắc. Chúng gọi là chiến dịch “Sấm rền”. Sau khi đánh phong tỏa các tuyến đường sắt, đường sông, đường biển và quốc lộ 1A đi qua địa bàn Nghệ An, chúng đã huy động một lực lượng không quân khổng lồ, với hơn 5.000 lượt máy bay xuất kích từ căn cứ quân sự Utapao (Thái Lan) và đảo Guam (Philipin) ồ ạt trút bom đạn xuống tuyến đường chiến lược 15A. Trọng điểm là chúng tập trung đánh phá Truông Bồn. Bởi vậy, trong thời điểm này có ngày cao điểm máy bay Mỹ đánh phá lên tới 131 lần, Truông Bồn suốt ngày đêm không ngớt tiếng bom đạn.

       Nhưng, bom đạn giặc Mỹ không thể khuất phục được ý chí và quyết tâm sắt đá của quân và dân ta: “Sống bám cầu, bám đường – chết kiên cường dũng cảm”, “Tim có thể ngừng đập – nhưng đường không thể tắc”; “Tất cả cho tiền tuyến – Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” là động lực mạnh mẽ thôi thúc các lực lượng của quân và dân ta làm nên chiến thắng Truông Bồn, làm nên một Truông Bồn Huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta. Tiêu biểu là những chiến công và sự hy sinh oanh liệt ngày 31 tháng 10 năm 1968 của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử”, “Tiểu đội cọc tiêu sống” Anh hùng thuộc Đại đội Thanh niên xung phong 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An.

       Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành Trung ương cùng với lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã về thăm, động viên các lực lượng của quân và dân ta. Đặc biệt, trong năm 1968, thời điểm địch đánh phá Truông Bồn ác liệt nhất, nhưng đồng chí Lê Duẩn – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – Tư lệnh Đoàn 559, đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phan Trọng Tuệ và các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh ủy, Uỷ ban Hành chính tỉnh Nghệ An đã về thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ quyết giữ vững mạch máu giao thông Truông Bồn. Có thể nói, chiến thắng Truông Bồn là đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, là nơi thể hiện sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bao gồm:

       Binh trạm 1 đơn vị vận tải, Tiểu đoàn công binh D30 Quân khu 4; Đại đội công binh 27; Tiểu đoàn 76 tên lửa thuộc Trung đoàn tên lửa 278; Tiểu đoàn 72 tên lửa thuộc Trung đoàn 236; Trung đoàn phòng không 222 Nguyễn Viết Xuân; Tiểu đoàn pháo 37 ly, pháo 12 ly 7 của bộ đội và dân quân tự vệ; Trung đoàn 224 và Trung đoàn 232 pháo cao xạ và hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ của 9 Đại đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An; cán bộ, chiến sĩ hạt giao thông 10; lực lượng tự vệ bưu điện và dân quân tự vệ huyện Đô Lương.

       Các lực lượng của quân và dân ta đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, rà phá hàng ngàn quả bom nổ chậm các loại, đóng góp trên 2 triệu ngày công, đào đắp hàng triệu m2 đất đá, đưa 94 ngàn lượt xe quân sự vượt qua “Truông” an toàn; vận chuyển và giải tỏa hàng triệu tấn hàng, cung cấp hàng chục triệu cây phi lao, cọc tre và các loại gỗ chống lầy – làm cầu cho xe qua; huy động 4.500 xe đạp thồ, 4.500 xe ba gác, 4.500 xe đầu bò, 900 xe cút kít giải phóng hàng vượt qua “Truông” khi bị địch đánh phá phong tỏa.

      Ghi nhận địa danh Truông Bồn, ghi nhận sự cống hiến và hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ Truông Bồn, tiêu biểu là sự cống hiến và hy sinh oanh liệt ngày 31 tháng 10 năm 1968 của 13 chiến sĩ Thanh niên xung phong “Tiểu đội thép”, ngày 12 tháng 01 năm 1996, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin có Quyết định số 51/QĐ-BT công nhận di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Ngày 23 tháng 9 năm 2008, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có Quyết định số 1304/QĐ-CTN Phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tập thể 14 chiến sĩ Thanh niên xung phong Truông Bồn thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An – Trong đó, 11 chiến sĩ nữ và 02 chiến sĩ Nam đã anh dũng hy sinh.

      Với ý nghĩa to lớn đó và được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhằm xây dựng Truông Bồn trở thành “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, ngày 19 tháng 4 năm 2010 UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 1591/QĐ.UBND-CNXD phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Cùng với tỉnh Nghệ An, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải và nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã đầu tư, quyên góp, ủng hộ xây dựng, tôn tạo Khu di tích trên diện tích 217.327m2 với tổng mức đầu tư 365 tỷ đồng. Sở Giao thông Vận tải Nghệ An là đơn vị được Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An giao làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công vào ngày 27 tháng 10 năm 2012. 

      Trong quá trình Sở Giao thông Vận tải Nghệ An triển khai thực hiện Dự án là một thử thách rất lớn, bởi bên cạnh trách nhiệm trước tỉnh, là “áp lực” của sự kỳ vọng của đông đảo nhân dân mong muốn cho Truông Bồn sớm được hoàn thành, trong khi bước đầu còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về nguồn lực. Nhưng được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An, của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của Bộ Giao thông Vận tải và của nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước – cùng với sự nỗ lực rất lớn của Sở Giao thông Vận tải Nghệ An, đến tháng 4 tháng 2014 một số hạng mục chính của công trình đã hoàn thành. Từ thực tế đó và xét đề nghị của các Sở, ngành, đơn vị liên quan, ngày 16 tháng 4 năm 2014, Uỷ Ban nhân dân tỉnh Nghệ An có Quyết định số 1520/QĐ-UBND thành lập Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn nhằm sớm đáp ứng được lòng mong muốn của nhân dân về thăm viếng, tri ân các anh hùng liệt sĩ.

       Tháng 7 năm 2015, công trình được hoàn thành. Ngày 7 tháng 8 năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức lễ khánh thành trong niềm vui của nhân dân khắp mọi miền của Tổ quốc và của hàng vạn đại biểu và nhân dân về dự lễ khánh thành.

         Khu di tích lịch sử Truông Bồn được xây dựng, bảo tồn, tôn tạo, gồm 21 hạng mục chính, như sau:

      * Các hng mc trong khu tưởng nim và khu l hi:

      Khu mộ và nhà che mộ 13 anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong 110m2; nhà tưởng niệm 1.240 anh hùng, liệt sĩ 290m2; nhà hữu vu 25m2; nhà tả vu 25m2; sân, đường nhà che mộ và nhà tưởng niệm 2.121m2; khu đài tưởng niệm các liệt sĩ 5.500m2; sân lễ hội 11.277m2.

       * Khu trưng bày truyn thng và h cnh quan:

      Nhà trưng bày truyền thống 942m2; sân khu vực nhà truyền thống 6.428m2; hồ cảnh quan 10.588m2; cầu dẫn trên hồ cảnh quan dài 72m2 – rộng 3,58m.

       * Các hng mc khu đón tiếp khách v thăm viếng:

        Nhà điều hành và đón tiếp phía Nam 256m2; nhà bán hàng lưu niệm phía Nam 198m2; nhà dịch vụ tổng hợp phía Nam 237m2; sân khu vực nhà đón tiếp phía Nam 3.955m2; bãi đậu xe phía Nam 5.300m2; nhà dịch vụ tổng hợp phía Bắc 237m2; bãi đậu xe phía Bắc 4.996m2.  

        * Các hng mc giao thông và công trình khác:

        Đường nội bộ từ khu lễ hội đến khu tưởng niệm dài 690m – rộng 5m; hệ thống đường dạo bộ dài 1.800m – rộng 03m; hệ thống điện chiếu sáng; hệ thống cây xanh, cây cảnh các loại…

        Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã được hồi sinh ngay trên “Tọa độ chết” năm xưa. Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn hôm nay, biểu tượng lịch sử của Thanh niên xung phong Việt Nam, nơi hội tụ linh hồn của 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh để bảo vệ huyết mạch giao thông Truông Bồn. Trong đó, ngôi mộ tập thể 13 chiến sĩ thanh niên xung phong “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử”, “Tiểu đội cọc tiêu sống” Anh hùng  hy sinh tại nơi đây ngày 31 tháng 10 năm 1968, chứng tích hào hùng ghi dấu những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 13 chiến sĩ thanh niên xung trong lúc đang làm nhiệm vụ nối liền mạch máu giao thông.

        Ở nơi này, Truông Bồn hôm nay và mai sau, mãi vang vọng những lời ru của đất mẹ như là lời ru của cả dân tộc để linh hồn các chị, các anh được yên giấc ngàn thu. Nơi đây ngày ngày luôn ngát thơm hương hoa của các Đoàn đại biểu và du khách trong và ngoài nước về thăm viếng, tri ân các chị, các anh, những người anh hùng đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”!

 

Truông Bồn- Bản anh hùng ca chói lọi

Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã trở thành “địa chỉ đỏ”, mảnh đất thiêng liêng, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. 

Người dân xứ Nghệ gọi “Truông” là danh từ chỉ những nơi hiểm yếu, hai bên là vách núi ở giữa là đường đi. Chứng tích Truông Bồn ghi dấu tội ác dã man của kẻ thù và những chiến công oanh liệt của sức mạnh tổng hợp quân và dân ta, của các cán bộ, chiến sỹ thanh niên xung phong dũng cảm, mưu trí và lòng quả cảm “Tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc” giữ vững mạch máu giao thông chi viện cho tiền tuyến lớn. 

Truông Bồn đã đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Vì độc lập tự do thống nhất Tổ quốc”, “Vì nghĩa vụ quốc tế cao cả”.

Trọng điểm Truông Bồn có chiều dài 5 km nằm trên tuyến đường 15 A hay còn gọi là đường 30, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi duy nhất nối các huyết mạch giao thông: mốc số 0, đường Quốc lộ 1 A, đường 7, đường 34 để chi viện nhân tài, vật lực của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. 

Cung đường qua Truông Bồn có địa hình hết sức phức tạp, lầy, hẹp và dốc, phải qua cả một dãy núi đồi liên kết với nhau xen kẽ thung sâu. Từ cầu Om đến đầu Truông là dốc U Bò, ở giữa có khe Vực Chỏng và điểm cuối Truông là dốc Kỳ Lợn. 

Năm 1968 là năm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân ta. Bị thất bại lớn ở các chiến trường, địch chuyển kế hoạch từ ném bom không hạn chế sang ném bom hạn chế, tập trung sức mạnh không quân, hải quân đánh phá ác liệt 4 tỉnh thuộc khu IV (cũ). 

Địch phát hiện ra Truông Bồn là yết hầu vận tải ở mặt đất nên chúng không tiếc bom đạn hủy diệt, hầu như trên vùng trời Đô Lương liên tục có máy bay do thám quần lượn, với 5.000 lượt máy bay Mỹ xuất kích từ căn cứ quân sự Utapao và Cò Rạt (Thái Lan) và đảo Wusam (Philippin) tới đánh phá, ngày cao điểm không quân Mỹ đánh phá lên tới 131 lần. Suốt ngày đêm không lúc nào Truông Bồn ngớt tiếng bom đạn. 

Để phá hủy tuyến đường và phát quang khu vực Truông Bồn nhằm phát hiện các mục tiêu, địch dùng nhiều thủ đoạn đánh phá khác nhau, có khi chúng dùng máy bay do thám chỉ điểm đánh từng đợt, có khi tập trung lực lượng đánh ồ ạt, dai dẳng…

Ban ngày chúng tập trung đánh chặn các lối ra vào, ban đêm thả pháo sáng, tập kích các lực lượng ứng cứu đường và đoàn xe vận tải của ta. Trong tổng số 18.936 quả bom các loại, tên lửa và rốc két kẻ thù trút xuống khu vực này thì phần lớn chúng ném vào trọng điểm Truông Bồn. Số lượng, chủng loại bom đạn cũng có sự khác nhau, vừa dùng bom phá, bom phát quang, chúng vừa ném bom sát thương, bom bi xen với bom nổ chậm, bom từ trường… sát hại lực lượng TNXP, bộ đội, dân quân và gây khó khăn, phức tạp cho ta trong công tác bảo vệ, sửa chữa tuyến đường.

Bom đạn của địch đã làm cho vùng Truông Bồn vốn xanh tươi trù phú trở thành một bãi trắng hoang tàn, hàng ngàn héc ta rừng bị tiêu hủy, 211 làng dọc tuyến đường 15A bị tàn phá; hàng trăm chiếc xe ô tô chở hàng và hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta bị trúng bom bốc cháy, hơn 1.240 cán bộ, chiến sỹ bộ đội, dân quân tự vệ, TNXP, công nhân ngành giao thông hy sinh, trong đó có 372 chiến sỹ TNXP; xã Mỹ Sơn và xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương có trên 100 người chết và bị thương.

Trước tội ác của kẻ thù, để bảo vệ vị trí chiến lược quan trọng của Truông Bồn, Tỉnh ủy, ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương huy động lực lượng dồn sức cho Truông Bồn giữ vững mạch máu giao thông. 

Lực lượng chiến đấu gồm Binh trạm 1 đơn vị vận tải, tiểu đoàn 1 công binh, bộ đội công binh D30 quân khu 4, đại đội công binh 27; tiểu đoàn 67 tên lửa thuộc trung đoàn tên lửa 278, tiểu đoàn 72 tên lửa thuộc trung đoàn 236, trung đoàn phòng không 222; 4 tiểu đoàn pháo 37 ly, pháo 12,7 ly của bộ đội dân quân tự vệ, trung đoàn 224 và trung đoàn 232 pháo cao xạ, hạt giao thông 10, tự vệ Bưu điện Đô Lương; các đơn vị thanh niên xung phong: 304, 307, 316, 317, 318, 327, 332, 340 và lực lượng dân quân, nhân dân địa phương; các tổ quan sát, đếm bom, cắm tiêu, tổ rà phá bom mìn, bộ phận ứng cứu đường cùng mạng lưới thông tin liên lạc, lực lượng điều hành phương tiện giao thông, giữ gìn trật tự an ninh khu vực Truông Bồn được hình thành. di tích truông bồn

Chúng ta đã bắn rơi 400 máy bay Mỹ, trong đó có 86 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 1 giặc lái; rà phá hàng ngàn quả bom nổ chậm các loại. Quân và dân đã góp 2 triệu ngày công, đào đắp hàng triệu mét khối đất đá, đưa 94.000 lượt xe cơ giới qua Truông an toàn, vận chuyển và giải toả hơn 1 triệu tấn hàng; đào đắp hàng chục km đường xế đi cầu phao, đào hàng trăm hầm chữ A, hàng ngàn mét hào giao thông; cung cấp hàng vạn cây phi lao, cọc tre và các loại gỗ chống lầy, làm cầu cho xe qua; huy động 4.500 xe đạp thồ, 4.500 xe ba gác, 4.500 xe trâu bò, 900 xe cút kít chở hàng ra tiền tuyến.

Trong cuộc chiến khốc liệt này, tất cả các lực lượng đã chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm. 

Truông Bồn đã trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trong đó Thanh niên xung phong là lực lượng chủ công, với quyết tâm sắt đá “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm” đã khắc họa nên hình ảnh đẹp tuyệt vời của lực lượng TNXP góp phần quan trọng bảo vệ con đường huyết mạch ra tiền tuyến lớn.

Truông Bồn cũng là điểm ghi lại dấu tích của đồng chí Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Phan Trọng Tuệ – Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thiếu tướng Đồng Sỹ Nguyên và nhiều đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội đã về thăm, kiểm tra, động viên tinh thần chiến đấu và phục vụ chiến đấu của các chiến sỹ bộ đội, TNXP và nhân dân xã Mỹ Sơn, Nhân Sơn trong những năm tháng máy bay Mỹ đánh phá ác liệt.

Tại Truông Bồn đã xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt góp phần làm nên huyền thoại Truông Bồn. Tiêu biểu là sự hy sinh của 13 chiến sỹ TNXP Đại đội 317 – N65 – Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước; những đại diện tiêu biểu cho 4,3 vạn TNXP tỉnh Nghệ An và hàng chục vạn TNXP trong cả nước – Những người đã đổ mồ hôi, xương máu và tuổi thanh xuân của mình vì độc lập tự do cho Tổ quốc.

Đại đội TNXP 317 là đơn vị chủ lực nên được điều động đi làm nhiệm vụ ở nhiều tuyến đường, sau hơn 3 năm phục vụ ở các trọng điểm giao thông quan trọng, đầu năm 1967 đơn vị được lệnh chuyển đến tọa độ lửa Truông Bồn, sang tháng 7/1968 trước tình hình máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, Đại đội 317 đã phát động chiến dịch 100 ngày đêm đảm bảo mạch máu giao thông. 

Đơn vị đã chọn cử 14 chiến sỹ (12 nữ và 2 nam) làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 giờ hàng ngày để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ; đánh dấu vị trí bom nổ chậm để cùng công binh phá bom, san lấp hố bom, bảo đảm mặt đường, rồi lại thức trắng đêm với chiếc áo trắng làm “cọc tiêu sống” dẫn hàng ngàn chuyến xe chở hàng vào Nam vượt qua trọng điểm an toàn. 

Hơn 100 ngày đêm chiến dịch, được lệnh của Ban chỉ huy Tổng đội cho phép, Đại đội 317 xét một số đồng chí có thời gian phục vụ đã hết nhiệm kỳ 3 năm, có nhiều thành tích trong đơn vị có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn được xuất ngũ. 

Đơn vị đã xét chọn được 8 đồng chí, trong đó, một người ở nhà chỉ còn một mẹ già đau yếu không có người chăm sóc, một người có anh trai là liệt sỹ vừa hy sinh tại chiến trường miền Nam; một đôi nam nữ yêu nhau đã 3 năm chỉ chờ xuất ngũ là tổ chức lễ cưới; có 4 người đã nhận được giấy báo nhập học tại các trường trung học chuyên nghiệp. 8 đồng chí này đã được tổ chức gặp mặt chia tay đồng đội. 

Nhưng đêm 30/10/1968, Đại đội 317 nhận được lệnh của Ban chỉ huy Tổng đội phải cấp tốc giải phóng giao thông cho đoàn xe quân sự vượt qua Truông vào Nam trước khi trời sáng. Trước tình hình đó, cả 8 người đã xung phong ra hiện trường cùng đơn vị làm nhiệm vụ với tinh thần “Một giờ còn ở đơn vị là một giờ còn ra hiện trường”; “Đường chưa thông không tiếc máu xương”.

4 giờ sáng ngày 31/10/1968, toàn đơn vị khẩn trương tập trung san lấp hố bom, đến 6 giờ 10′ thì công việc sắp hoàn thành theo kế hoạch, bất ngờ có báo động máy bay Mỹ oanh tạc, các chiến sỹ trong đơn vị đã kịp rút về hầm trú ẩn, riêng 14 chiến sỹ làm nhiệm vụ cùng với đơn vị, đồng thời được phân công làm nhiệm vụ trực chiến nên rút về hầm trú ẩn sau cùng. 

Báo Công luận
 Tượng thờ 13 chiến sỹ TNXP Truông Bồn

Lập tức một tốp 4 chiếc máy bay Mỹ đã trút xuống 2 loạt với 238 quả bom phá, Truông Bồn chìm trong biển khói mịt mù, 13/14 chiến sỹ đã dũng cảm hy sinh khi chỉ còn ít giờ nữa là máy bay Mỹ ngừng ném bom trên toàn miền Bắc.

Người viết những dòng này lúc ấy là một cậu bé lên 10, cùng bà ngoại “cuốc bộ” trên đường từ xã Tân Sơn- nơi sơ tán về thị Ghềnh Đá cách trấn Nam Đàn 2km về phía Nam. Khi tôi và bà đến đây đúng vào thời điểm trận bom của ngày đáng nguyền rủa 31/10/1968 dội xuống. Tôi và bà đã bị sức ép của những quả bom tấn văng ra xa và bị vùi lấp bởi đất đá. Sau đó, cả hai bà cháu tìm nhau trong ánh sáng trắng của pháo sáng rực trời, mãi mấy chục phút sau mới vỡ oà khi cháu không mất bà, bà không mất cháu. Và may mắn nhất là cả hai bà cháu không hề hấn gì ngoài việc tai bị rỉ máu!

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay

13 chiến sỹ Đại đội TNXP 317 đã mãi mãi ra đi, các anh, các chị cũng mãi mãi canh giữ cho con đường không bao giờ tắc, góp phần quyết định vào chiến thắng trên chiến trường miền Nam, bẻ gãy ý chí xâm lược của kẻ thù. 

Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên mảnh đất năm xưa nơi các chiến sỹ TNXP đêm đêm với chiếc áo trắng làm “cọc tiêu sống” dẫn đường cho xe qua vẫn còn vang vọng mãi đến mai sau.

Những chiến sỹ dũng cảm làm nên “Huyền thoại Truông Bồn” trở thành bất tử, là biểu tượng thiêng liêng, cao quý, tấm gương nghĩa liệt đó không chỉ trong cuộc chiến tranh ái quốc mà còn mãi mãi chói sáng cho các thế hệ trẻ, nhân dân và đặc biệt là lực lượng TNXP xây dựng kinh tế trong thời kỳ đổi mới, hội nhập.

Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Truông Bồn, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An trân trọng đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sỹ TNXP Đại đội 317 – N65 – Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An.

Đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, năm 1994 tỉnh Nghệ An đã khánh thành “Nhà bia mộ”, quy tập hài cốt các liệt sỹ về đây để chăm sóc và tưởng niệm. Năm 1996, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận: Di tích lịch sử Truông Bồn (Mộ các liệt sỹ Thanh niên xung phong hy sinh ngày 31/10/1968) tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. 

Truông Bồn đã thực sự trở thành địa chỉ đỏ, một mốc son chói ngời, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc cho cán bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Báo Công luận

thuyết minh truông bồn

Ngày nay trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, chúng ta vô cùng tự hào và đời đời ghi công sự hy sinh oanh liệt của các thế hệ cha anh, nguyện kế tục và phát huy truyền thống yêu nước, đem hết trí tuệ, sức lực và lòng nhiệt huyết để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Để có một khu tưởng niệm hoành tráng và đẹp tuyệt vời như ngày nay, những dòng cuối của bài viết này xin dành cho một cựu chiến binh, đồng đội cũ của tác giả. Đó là anh Nguyễn Hồng Kỳ, cựu chiến binh tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 299 Công Binh, Quân đoàn 1, Quân đội nhân dân Việt Nam, Giám đốc Sở giao thông vận tải tỉnh Nghệ An. 

Với tâm nguyện của một người lính luôn nhớ ơn các thế hệ đi trước và được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ an giao nhiệm vụ, anh đã dồn trí và lực để hoàn thành xuất sắc dự án mở rộng tôn tạo khu “di tích lịch sử Truông Bồn” mà chúng ta thấy sự uy nghi, hoành tráng, mang  đậm bản sắc văn hóa dân tộc như ngày hôm nay.

Được nghe rất nhiều bạn bè và đồng đội nói về anh và di tích lịch sử Truông Bồn…  là đồng đội cũ của anh, tôi thầm nghĩ “phải là người có tâm và có tầm mới làm được như thế này”.

Và có lẽ linh hồn của Vua Mai Hắc Đế vĩ đại, của “12 Tiên nữ” cùng hơn 1.000 đồng bào, chiến sĩ hy sinh tại nơi này đã phù hộ độ trì cho anh và toàn thể cán bộ công nhân viên ngành Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An để làm nên một khu di tích và là danh thắng tuyệt vời ở địa danh huyền thoại này.

Gọi tư vấn:
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon chat-active-icon